
1. Yếu tố thể chất
Các nhà sinh vật học và sinh thái học cho rằng tính cách của một người chịu ảnh hưởng quyết định bởi yếu tố cơ thể hay môi trường địa lý. Nói cách khác, nhân cách bị chi phối bởi yếu tố di truyền, dường như bạn không thể thay đổi được “bản chất” có sẵn trong mình ngay từ lúc sinh ra. Chẳng hạn, về đời sống tình dục, nam giới thì phóng thoáng, trong khi nữ giới thường e dè, ngại ngùng.
2. Yếu tố tâm lý cá nhân
Trong khi đó, các nhà tâm lý cho rằng nhân cách con người được hình thành qua quá trình nhận thức và kinh nghiệm về cuộc sống. Theo lý thuyết hành vi, J.Watson rút ra nhận xét từ những thí nghiệm của mình rằng nhân cách là cái hoàn toàn có thể tạo ra dựa trên công thức kích thích => đáp ứng. Hay theo S. Preud, nhân cách cá nhân do bộ máy tâm lý chi phối dưới 3 yếu tố: bản năng, bản ngã và siêu tôi. Bộ máy tâm lý quân bình khi cân bằng giữa bản năng và cái siêu tôi (điều xã hội mong muốn)
3. Yếu tố xã hội và văn hóa
Nếu chỉ dừng lại với những giải thích như vậy, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy như vậy chưa phải là câu trả lời thích đáng phải không bạn? Xã hội học sẽ giúp bạn giải thích vấn đề toàn diện hơn. Theo đó, nhân cách chịu tác động bởi yếu tố xã hội và văn hóa trong suốt chiều dài cuộc đời của mỗi người.
- Yếu tố xã hội
Trong thời gian đầu đời của một người và cả sau này, tác nhân xã hội hóa đầu tiên và quan trọng nhất là gia đình. Gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của một người thông qua gia sản vật chất và tinh thần mà gia đình truyền lại cho họ như tôn giáo, nghệ nghiệp, tầng lớp…; cách dạy dỗ của cha mẹ lên con cái. Rõ ràng cách dạy mềm mỏng, hay nuông chiều sẽ khác với cách dạy dỗ nghiêm khắc; Vai trò xã hội hóa về giới trong gia đình. Do đó, bạn sẽ thấy con trai được dạy khác với con gái trong hầu hết các gia đình, về cách ứng xử và vai trò của mỗi giới…
Khi trẻ bắt đầu lớn lên và bước vào môi trường học đường, trẻ sẽ chịu sự xã hội hóa của nhà trường. Từ đây, trẻ không còn được chăm sóc “đặc biệt” như ở “nhà” nhưng học cách ứng xử trong những mối quan hệ khách quan với thầy cô và bè bạn. Nhà trường cũng dạy cho trẻ những quy tắc ứng xử phù hợp với mỗi giới, hay nói theo thuật ngữ xã hội học là xã hội hóa về giới. Ngoài ra, giáo dục cũng được xem là một công cụ thống trị của mỗi chế độ nhà nước; vì vậy, trẻ được cảm thụ nền giáo dục của chế độ đang tồn tại trong xã hội. Đặc biệt, nhà trường sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp và cuộc sống.
Yếu tố xã hội thứ 3 nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi người đó là nhóm bạn bè. Bạn bè giúp mỗi đứa trẻ dần thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn và ảnh hưởng lên các sở thích ngắn hạn của trẻ, cũng như tạo ra khoảng cách thế hệ giữa trẻ và gia đình.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, các đoàn thể xã hội và môi trường làm việc sau này cũng tác động lớn đến nhân cách một người.
- Yếu tố văn hóa
Nhìn rộng hơn một chút, bạn sẽ thấy một người Việt Nam sẽ khác với một người Hàn Quốc và người Pháp. Do đó, có thể nói, sự khác nhau về nhân cách còn được giải thích bởi yếu tố văn hóa như văn hóa vùng (Phương Đông, Phương Tây…), văn hóa dân tộc (Việt Nam, Pháp, Mỹ, Trung Quốc…), văn hóa miền/ địa phương (người miền nam khác người miền bắc), và các phân lớp xã hội nhỏ hơn. Các chuẩn mực văn hóa khác nhau này sẽ ảnh hưởng đến nhân cách mỗi người.
Như vậy, chúng ta nhận thấy nhân cách của mỗi người do nhiều yếu tố hình thành nên. Các yếu tố này có thể hợp tác hay cạnh tranh lẫn nhau. Và xã hội hóa là một quá trình chứ không phải là một kết quả. Tôi hy vọng bạn có thể rút ra nhiều suy nghĩ hữu ích cho riêng mình từ bài viết này. Riêng với tôi, cảm nhận lớn nhất mà tôi có được từ đây là mỗi người là một nét độc đáo, riêng biệt và được hình thành từ muôn vàn điều kiện vật chất và tinh thần khác nhau. Do đó, tôi cần trân trọng nét độc đáo đó và nhìn một người bằng nhiều khía cạnh hơn là nhìn thiển cận và xét đoán.
Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét