Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Sự ra đời của xã hội học

Xã hội học xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XIX với tư cách là một tất yếu lịch sử xã hội. Tính tất yếu đó thể hiện ở nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện và tiền đề biến đổi và nhận thức đời sống xã hội. Các biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu vào thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX đã đặt ra những nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội.

Bắt đầu từ thế kỷ 18, đời sống xã hội ở các nước Châu Âu trở nên hết sức phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp 1750 đã đưa đến những đảo lộn ghê gớm. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ gây nên những làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái biến động không ngừng: chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số, tan rã hàng loạt các thiết chế cổ truyền,... Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó đóng vai trò tương tự như một bác sĩ luôn luôn theo dõi cơ thể sống - xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội (social problems), dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.


Emile Durkheim - một trong các bậc tiền bối của khoa học xã hội học đã phát biểu rằng: cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng "khỏe mạnh" hay "bệnh tật" và sau đó nhà xã hội học phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội. Và mãi cho đến nửa sau của thế kỷ XIX, xã hội học mới xuất hiện với tư cách là một môn khoa học độc lập có đối tượng, chức năng và phương pháp riêng biệt.

Bối cảnh Kinh tế xã hội và nhu cầu thực tiễn


Các cuộc cách mạng thương mại và công nghệ cuối thế kỷ XVIII đã làm lay chuyển tận gốc trật tự kinh tế cũ tồn tại và phát triển hàng trăm năm trước đó. Hình thái kinh tế xã hội kiểu phong kiến bị sụp đổ từng mảng lớn trước sự bành trướng của thương mại và công nghiệp. Sự tác động của tự do hóa thương mại, tự do hóa sản xuất và đặc biệt là tự do hóa lao động; hệ thống tổ chức quản lý kinh tế theo kiểu truyền thống đã bị thay thế bằng cách tổ chức xã hội hiện đại. Do vậy, thị trường đã được mở rộng, hàng loạt nhà máy, xưởng và tập đoàn kinh tế đã ra đời thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành thị làm thuê. Của cải, đất đai, tư bản không còn tập trung trong tay tầng lớp phong kiến mà rơi vào tay giai cấp tư sản.


Sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến gây những xáo trộn và biến đổi trong đời sống kinh tế xã hội của các tầng lớp, giai cấp và các nhóm xã hội. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn phải lập lại trật tự, ổn định xã hội và nhu cầu nhận thức để giải quyết những vấn đề mới mẻ nảy sinh từ cuộc sống đang biến động đó. Trong bối cảnh đó, Xã hội học đã ra đời để đáp ứng nhu cầu nhận thức các biến đổi xã hội và lập lại trật tự xã hội.

Bối cảnh Chính trị xã hội và tư tưởng


Cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789, làm biến đổi chính trị, xã hội quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản thể chế chính trị, trật tự xã hội và các thiết chế xã hội châu Âu thế kỷ XVIII. Cuộc cách mạng này đã không chỉ mở đầu cho thời kỳ tan rã chế độ phong kiến, nhà nước quân chủ mà còn thay thế trật tự cũ đó bằng một trật tự chính trị xã hội mới là nhà nước tư sản.


Công xã Paris năm 1871 - Mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích giữa các tầng lớp xã hội và nhất là giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản đã lên đến đỉnh điểm làm bùng nổ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới vào cuối thế kỷ XIX; và sau này là cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.


Những biến đổi chính trị, xã hội ở châu Âu đã đặt ra câu hỏi lý luận cơ bản của xã hội học. Đó là vấn đề làm thế nào phát hiện và sử dụng các quy luật tổ chức xã hội để góp phần tạo ra trật tự và tiến bộ xã hội.

Theo vi.wikipedia.org,

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Những câu nói nổi tiếng

Theo nguyên tắc chung, mọi người xin lời khuyên không phải để làm theo, hoặc nếu họ làm theo điều đó thì để có ai đó để đổ lỗi.
As a general rule...people ask for advice only in order not to follow it; or if they do follow it, in order to have someone to blame for giving it.”
― Alexandre Dumas

Tôi không thích việc bảo tồn nguyên trạng, tôi muốn lật đổ nó.
“I'm not interested in preserving the status quo; I want to overthrow it.”
― Niccolò Machiavelli

Có hai khả năng để tồn tại: Hoặc là chúng ta chỉ sống một mình trong vũ trụ hoặc không. Cả hai đều đáng sợ.
“Two possibilities exist: Either we are alone in the Universe or we are not. Both are equally terrifying.”
― Arthur C. Clarke

Người ta không thể yêu thương con người. Người ta chỉ có thể yêu thương mọi người.
“One can't love humanity. One can only love people.”
― Graham Greene, The Ministry of Fear: An Entertainment

Bạn chính là những gì bạn làm. Nếu bạn làm những việc nhàm chán, đơn điệu, ngớ ngẩn, khả năng là bạn sẽ kết thúc trong nhàm chán, đơn điệu và ngớ ngẩn.
“You are what you do. If you do boring, stupid monotonous work, chances are you'll end up boring, stupid and monotonous.”
― Bob Black, Abolition of Work and Other Essays

Không ai thích nhìn thấy một người ngớ ngẩn trở nên khôn ngoan.
“Nobody likes to see a stupid guy wise up.”
― Stephen King, The Stand

Chúng ta thường nói rằng “Bạn không thể thay đổi bản chất con người” nhưng nghiên cứu thực tế cho thấy hầu như bất cứ điều gì cũng trở thành “bản chất con người” nếu xã hội định nghĩa như vậy.
“We have been told over and over that "you can't change human nature," but the study of emic realities shows, quite the contraty, that almost anything can become "human nature" if society defines it as such.”
― Stephen King, The Stand
Kim Oanh
Dịch từ www.goodreads.com

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Ảnh hưởng của cha mẹ



Đã có nhiều nghiên cứu giải thích những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành nên tội phạm.
Một nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng vấn đề có thể được giải thích từ người mẹ. Theo đó, đứa bé trai thiếu sự gần gũi với mẹ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ trở thành tội phạm. Một câu hỏi được đặt ra là vậy thì còn người cha thì sao. Khoảng cách cha con có ảnh hưởng đến sự phát triển của một đứa trẻ không?

Đọc thêm

Người cha và người mẹ đều chia sẻ ngang bằng với nhau về trách nhiệm cùng đồng hành với con trong cuộc sống. Bởi, thậm chí có thể với tình yêu, sự hy sinh và nuôi dưỡng của cả thế giới cũng không đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ trở thành một thành viên trẻ, góp phần xây dựng cuộc sống xã hội nếu chúng không có sự quan tâm, săn sóc của bố mẹ.

Kim Oanh

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Phản ứng của bạn trước thất bại là gì?


“Whether you think you can or think you can’t—you’re right,”
Dù bạn nghĩ bạn có thể hoặc bạn không thể - bạn đều đúng.
Henry Ford

Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học tâm lý, một tạp chí của hiệp hội Tâm lý học đã phát hiện ra rằng: những người nghĩ rằng họ có thể học hỏi được từ những sai lầm có những phản ứng khác với những người nghĩ rằng thông minh là cái gì đó bẩm sinh và không thể thay đổi.

Jason S. Moser, giáo sư trường đại học Michigan, người đồng nghiên cứu với Hans S. Schroder, Carrie Heeter, Tim P. Moran, và Yu-Hao Lee phát biểu rằng: Một khác biệt lớn giữa những người nghĩ rằng thông minh là bẩm sinh và những người nghĩ thông minh là có thể tạo ra là cách họ phản ứng với những sai lầm, vấp ngã. Nghiên cứu đã chỉ ra những người nghĩ rằng thông minh là có thể học hỏi được sẽ nhủ thầm: “Khi vấn đề khó khăn hơn, đòi hỏi tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn” hoặc “Nếu tôi vấp ngã, tôi sẽ cố gắng học hỏi từ những sai lầm đó.” Ngược lại, những người nghĩ rằng họ không thể thông minh hơn sẽ đánh mất cơ hội rút ra bài học từ những sai lầm họ vấp phải. Đây có thể là một vấn đề nhức nhối ở trường học. Chẳng hạn, một sinh viên nghĩ rằng trí thông minh của mình có thể được cải thiện sẽ không quá khó khăn để cố gắng nhiều hơn sau khi nhận được kết quả thấp.

Trong cuộc nghiên cứu, Moser và đồng sự đã đề nghị những người tham gia một bài tập dễ dàng tìm thấy lỗi sai. Họ được đề nghị xác định ký tự ở giữa chuỗi năm ký tự như “MMMMM” hay “NNMNN”. Đôi chỗ, ký tự ở giữa sẽ giống với bốn ký tự còn lại, đôi chỗ là khác. Bài tập này khá đơn giản, và bạn có thể làm liên tục nhưng đôi khi nó sẽ gây khó khăn cho não khi bị xao nhãng. Khi người ta phạm phải một lỗi, ngay lập tức họ nhận thấy mình thật ngớ ngẩn.

Trong khi thực hiện bài tập, người tham gia sẽ đội một máy đo báo cáo hoạt động của não bộ. Khi ai đó làm một lỗi sai, não của họ sẽ có hai tín hiệu nhanh: tín hiệu đầu tiên cho thấy ứng viên thấy thất bại và phản ứng thứ hai cho thấy ứng viên ý thức lỗi sai và cố gắng sửa lại cho đúng. Cả hai phản ứng này diễn ra trong vòng một phần tư giây khi nhận ra lỗi. Sau cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã nhận ra niềm tin có thể học hỏi được từ những sai sót hay không.
Những người nghĩ rằng họ có thể học hỏi được từ sai lầm một cách tốt hơn từ vấp ngã sẽ trở nên thành công hơn. Não bộ của họ có thể phản ứng tốt hơn với tín hiệu thứ hai như một người nói rằng “Tôi thấy là mình đã làm sai, vì thế, tôi sẽ chú ý hơn”.

Nghiên cứu cho thấy mọi người có những cấp độ phản ứng khác nhau. Moser cho rằng: “Điều này có thể giúp chúng ta hiểu được chính xác hai loại phản ứng khác nhau trước lỗi lầm.” Nghiên cứu cũng có thể giúp mọi người nhìn nhận lại niềm tin vào bản thân rằng chúng ta có thể làm việc tốt hơn và học hỏi nhiều hơn bằng cách luyện tập cho não cách phản ứng trước lỗi lầm.

Kim Oanh

Dịch từ www.psychologicalscience.org

Chúng ta là tù nhân của quá trình xã hội hóa?

Tù nhân ở đây được hiểu là sự bắt buộc phải làm theo những chuẩn mực, giá trị mà xã hội đã đề ra. Nếu không thực hiện theo, chúng ta sẽ bị cưỡng chế chính thức hoặc không chính thức.
Trong khi đó, xã hội hóa được mô tả là những phương cách mà xã hội truyền dạy những giá trị và chuẩn mực cho cá nhân để cá nhân trở thành thành viên của xã hội.

Con người là tù nhân của quá trình xã hội hóa?

Theo các nhà xã hội học, ngay từ khi sinh ra, mỗi người đã được xã hội hóa – đứa bé sẽ được dạy dỗ để trở thành thành viên của xã hội khi còn trong gia đình. Sau đó, cùng với thời gian, chúng ta tiếp xúc với trường học, bạn bè, các phương tiện truyền thông cũng như các nhóm xã hội khác. Chúng ta chỉ chấm dứt liên quan đến các quan hệ xã hội khi chúng ta kết thúc cuộc sống. Chính vì thế, xã hội học có thể nói là một quá trình tất yếu và kéo dài suốt cuộc đời. Và một kết quả tất yếu là chúng ta phải tuân thủ theo những chuẩn mực mà xã hội mong đợi.

Nếu ai đi ngược lại với quá trình xã hội hóa thì người đó sẽ không được chấp nhận trong xã hội và bị kiểm soát (cách này hay cách khác). Hơn nữa, có nhiều trường hợp “trẻ hoang dã” được tìm thấy trong rừng không có khả năng hòa nhập vào xã hội; Các hành vi của các em mang nhiều đặc tính bản năng.

Xã hội hóa - Quá trình hai chiều

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là con người là nô lệ và bị lệ thuộc hoàn toàn vào quá trình xã hội hóa. Bởi, thứ nhất, xã hội hóa là quá trình hai chiều: quá trình xã hội dạy cho cá nhân các chuẩn mực và giá trị để cá nhân trở thành một thành viên của xã hội; và quá trình cá nhân nội tâm hóa những giá trị và chuẩn mực này vào trong mình. Thứ hai, con người chính là người tạo nên xã hội. Những văn hóa, giá trị và chuẩn mực chính là sản phẩm đặc biệt mà con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cho đời sống của mình cả về vật chất lẫn tinh thần.

Vì thế, xã hội hóa là quá trình hai chiều: con người tạo ra và buộc phải thích nghi, chấp nhận nó; quá trình xã hội dạy và cá nhân nội tâm hóa. Tôi rất ấn tượng khi khám phá ra rằng nghiên cứu xã hội học là một cuộc hành trình dài – cuộc hành trình đi vào chiều sâu của trái tim của thế giới xung quanh chứ không chỉ là một người quan sát, không chỉ là người tham gia nhưng còn là người sáng tạo.

Kim Oanh